Số Phận Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Phụ Thuộc Vào Ai? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 11, 2015

Số Phận Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Phụ Thuộc Vào Ai?

Không chỉ tùy thuộc vào quyết tâm tranh đấu hoặc nửa vời hoặc đến cùng của những tín đồ Công Giáo muốn bảo vệ cơ sở giáo dục của mình khỏi bị biến thành đất vàng đất bạc cho các nhóm kinh doanh. Dư luận còn miêu tả một sự phụ thuộc vào nhân vật cựu Bí Thư Thành Ủy Lê Thanh Hải.

“Trách nhiệm cuối cùng”

Sự việc chính quyền và công an thành phố Sài Gòn bất ngờ tổ chức đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 22 Tháng Mười, 2015 - một cơ sở mà nhà dòng đã chuyển cho nhà nước, nhưng không đòi lại được - xảy ra chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi Bí Thư Lê Thanh Hải có thêm từ “cựu” phía trước, từ kết quả “Bộ Chính Trị chưa cho bầu bí thư thành ủy” trong Đại Hội Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nhiều năm qua, toàn bộ khu vực Thủ Thiêm đã được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch và lên kế hoạch biến thành “khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á,” đã tiến hành giải tỏa trắng nhiều ngàn hộ dân sinh sống nơi đây. Nhưng cũng chính khu vực này đã trở thành một trong những điểm nóng khiếu kiện đông người nhất tại Việt Nam, do giá bồi thường rẻ mạt và thái độ chính quyền quá xem thường dân trí luật pháp của người dân. Không những thế, nhiều cuộc cưỡng chế thô bạo của chính quyền đã nhắm thẳng vào những người dân khiếu kiện không chịu nhận tiền di dời. Theo nguồn tin không chính thức, đã xảy ra một số cái chết của người dân khiếu kiện. Tuy nhiên, báo chí nhà nước và chính quyền không bao giờ công bố về những sự kiện đau thương này.

Khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải là nhân vật bị đồn đoán có mối liên đới không hề trừu tượng với dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, khu vực này sau khi giải tỏa và xây dựng sẽ được bán đất cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao hơn nhiều lần so với mức bồi thường đối với người dân bản địa.

Vài năm qua, sau khi gần hết dân cư sinh sống trong khu vực Thủ Thiêm bị giải tỏa và cưỡng chế di dời, nơi đây chỉ còn hai cơ sở tôn giáo “ngang ngạnh” là chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Riêng chùa Liên Trì đã trở thành tiêu điểm bị mưu tính giải tỏa từ lâu, không chỉ để “phục vụ thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp,” mà nguồn cơn chính yếu là do chùa này là điểm tập trung sinh hoạt của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, trong đó có Hội đồng liên tôn Việt Nam. Đó chính là cái gai trong mắt chính quyền mà chùa Liên Trì luôn phải chịu nguy cơ trấn áp trong thời gian này.

Tuy nhiên khác với việc chùa Liên Trì được các tổ chức nhân quyền trong nước và đặc biệt là quốc tế đặc biệt quan tâm và lên tiếng bảo vệ, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm lại khá đơn độc. Rất có thể, đó là lý do mà sau một thời gian tìm cách xóa trắng chùa Liên Trì không thành công, chính quyền quận 2 chuyển sang giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, mà cách nào đó cũng có thể được coi là một cách thử phản ứng của giới Công Giáo và cộng đồng quốc tế.

Trước hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào Tháng Mười, 2015, có dư luận cho rằng một động cơ có thể là trước khi chính thức rời cương vị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và sau đó không loại trừ khả năng sẽ “về vườn,” cựu Bí Thư Lê Thanh Hải muốn tỏ rõ một “trách nhiệm cuối cùng” để lấy về “đất sạch” cho các đối tác đầu tư của ông ta.

Thỏa hiệp hay đấu tranh?

Xô tới rồi ngãng ra đều đột ngột. Sau khi tổ chức đập phá vào ngày 22 đến ngày 24 Tháng Mười, 2015, chính quyền quận 2 bất ngờ thông báo với nhà dòng “ngưng đập phá” và cho biết sẽ “báo cáo thành phố.”

Vài tín đồ Công Giáo tỏ ra hài lòng. Ít nhất thì chính quyền cũng phải tỏ ra “tôn trọng” cơ sở tôn giáo đã có lịch sử từ hàng trăm năm qua.

Nhưng nhiều người khác lại đang nhìn ra một bóng đen lẩn khuất trong lớp sương mù nhiễu nhện. Thực tế là vẫn chưa có gì đáng coi là quá lạc quan với động thái “ngưng đập phá” của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đối với cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Kinh nghiệm của rất nhiều tổ chức Công Giáo, Phật Giáo thống nhất, Tin Lành... trong nhiều năm qua đều cho thấy sau khi bị phản ứng mạnh mẽ từ giới tu sĩ, tín đồ và dư luận quốc tế, chính quyền địa phương thường tạm lắng hành vi cưỡng chế trong một thời gian nhất định (có thể 2-3 tháng) để “xin ý kiến cấp trên.” Tuy nhiên sau thời gian đó, hoạt động cưỡng chế giải tỏa được khởi động lại và còn hung hãn hơn trước. Một số cơ sở tôn giáo đã phải chịu thiệt và bị giải tỏa trắng vì không lường trước được thái độ trước sau hoàn toàn bất nhất của chính quyền.

Quy trình “xin ý kiến chỉ đạo” cũng vừa được lặp lại đối với chính quyền quận 2. Sau khi cha sở và các sơ của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm kéo ra phản đối và thông tin nhà dòng bị cưỡng bức lan truyền nhanh trên mạng, kéo theo sự tham gia của một số hãng tin phương Tây, quận 2 bất ngờ ngưng hẳn hoạt động đập phá. Nếu trước đó lực lượng tham gia đập phá “được huy động tổng lực từ 12 phường trong quận 2” - như lời thuật của một tu sĩ nhà dòng nơi đây, thì nay chỉ còn một số an ninh, cảnh sát mặc sắc phục và thường phục, cùng một số dân phòng đứng ngồi rải rác.

Có thể hình dung gì về những dấu hiệu trên?

Một khả năng có thể là chiến dịch đập phá bất thường cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 22 Tháng Mười, 2015 cho thấy đây là chủ trương của riêng chính quyền quận 2 chứ không hẳn theo chỉ đạo từ Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh. Lợi ích nhóm thường gắn liền với vị thế chính trị. Nếu số phận chính trị của cựu Bí Thư Hải trở nên chơi vơi trước và sau đại hội 12, tình hình này cũng có thể dẫn đến số phận của các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ chơi vơi không kém.

Trong khi đó, dàn lãnh đạo mới của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh là những người chưa bị dư luận dị nghị nhiều về việc “dính” với các dự án Thủ Thiêm. Trong tâm lý và tư thế cực kỳ thận trọng của giới quan chức trước đại hội đảng 12, không một “ứng cử viên” nào muốn bị biến thành kẻ đổ vỏ cho người khác ăn ốc. Do vậy có khả năng sau khi bị dư luận trong nước và quốc tế phản ứng mạnh về hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, dàn lãnh đạo mới của Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố này đã vội vã chỉ đạo chính quyền quận 2 ngừng đập phá để “báo cáo thành phố cho chỉ đạo.”

Hiện vẫn chưa biết những ảnh hưởng của ông Lê Thanh Hải đối với dàn lãnh đạo “kế thừa” ở thành phố Hồ Chí Minh là tới đâu. Nhưng nếu ảnh hưởng này vẫn còn và vẫn mạnh, khả năng cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tiếp tục bị đập phá và cưỡng chế trong thời gian tới là vẫn cao.

Cũng chẳng có gì bảo đảm là nếu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đi đến một “thỏa thuận” với chính quyền về việc chỉ giải tỏa cơ sở giáo dục của họ để đổi lấy một số tiền bồi thường nào đó, bản thân cơ sở tôn giáo này sẽ không bị “nuốt” nốt trong tương lai không xa bởi các nhóm đầu tư cá mập.

Hiện trạng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm nặng nề cùng số nợ vay đầu tư hạ tầng cho Thủ Thiêm lên đến 29,000 tỷ đồng, số lãi vay đang phát sinh tới 2.9 tỷ đồng mỗi ngày nhưng chưa biết tìm đâu ra tiền để trả nợ cho giới ngân hàng - địa chỉ đã cho vay tiền để tiến hành dự án khu đô thị Thủ Thiêm - càng đủ tạo ra những lý cớ để chính quyền thành phố này luôn tìm cách ra tay với hai cơ sở tôn giáo ương ngạnh còn lại.

Đó cũng là bài học xương máu cho các cơ sở tôn giáo khác: Không thể thỏa hiệp nửa vời, mà chỉ có đấu tranh quyết liệt mới tự bảo vệ được mình. Nếu chùa Liên Trì thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tồn tại cho đến giờ này mà chẳng cần thỏa hiệp với chính quyền, các tu sĩ của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm của giới Công giáo cũng nên xem đó là kinh nghiệm tham khảo đắt giá.
Số Phận Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm Phụ Thuộc Vào Ai? Reviewed by Unknown on 11/17/2015 Rating: 5 Không chỉ tùy thuộc vào quyết tâm tranh đấu hoặc nửa vời hoặc đến cùng của những tín đồ Công Giáo muốn bảo vệ cơ sở giáo dục của mình khỏ...

Không có nhận xét nào: