Việt Nam Có Nguy Cơ Vào "Danh Sách Đen" CPC Vì Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 5, 2016

Việt Nam Có Nguy Cơ Vào "Danh Sách Đen" CPC Vì Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo

TNCG: Ngày 02/05/2016 Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Phúc Trình Thường Niên 2016 và khuyến cáo đưa Việt Nam vào lại danh sách “Quốc gia đáng quan ngại” – CPC do những vi phạm về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Phúc Trình Thường Niên 2016 nhận định “chính phủ luôn mạnh tay quản lý tôn giáo tiếp tục gây ra không những là hạn chế và phân biệt đối xử, mà còn khiến các cá nhân bị ngược đãi trực tiếp, giam giữ, và là đối tượng bị hành hung. Những vi phạm tiếp diễn này đạt đến mức quốc gia này phải được đưa vào danh sách “quốc gia đáng quan ngại,” hay CPC, theo Đạo Luật Tự Do Tín Ngưỡng Quốc Tế (IRFA).”

Bản báo cáo cho rằng mặc dù tình hình nhân quyền tại Việt Nam có chuyển biến, nhưng tự do tôn giáo vẫn “có những đặc điểm riêng và phức tạp”. Qua thông tin từ phía các viên chức chính phủ, USCIRF vẫn nhìn nhận rằng “Chính phủ đã có nhiều cởi mở liên quan đến tự do tín ngưỡng, như xem xét việc dành nhiều không gian hơn cho công tác từ thiện của các tổ chức tôn giáo, và, theo các viên chức chính phủ, cho phép có nhiều nơi để cầu nguyện hơn”. Hay là chuẩn bị cho ra đời dự luật tôn giáo tín ngưỡng.

Tuy nhiên, “chính phủ tiếp tục xem một số nhóm người và hoạt động là mối đe dọa đến nhà nước và tinh thần đoàn kết quốc gia của Việt Nam”. Báo cáo nêu lên thực trạng “Một số tổ chức hưởng được nhiều quyền tự do tín ngưỡng của mình và một số tổ chức khác thì có tương đối ít quyền tự do. Trong lúc các vi phạm nghiêm trọng không giống nhau trên cả nước, và khác nhau nhiều tùy theo từng tỉnh thành, các vi phạm cho thấy một khuôn mẫu về hành vi của các viên chức chính phủ và các cơ quan trực thuộc, ở cấp quốc gia hay tỉnh thành/địa phương, nhắm vào các tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, và/hoặc cá nhân”. Điều này dẫn đến những phân biệt đối xử và ngược đãi, và các hành vi bạo lực đối với những cá nhân bị cáo buộc vi phạm “an ninh quốc gia” cách mơ hồ.

Sự thiếu hiểu biết về luật pháp của cấp chính quyền địa phương, cùng với đó là sự thờ ơ của cấp lãnh đạo trung ương là nguyên nhân cho những hành động bách hại tôn giáo. USCIRF ghi nhận việc “Các tổ chức tôn giáo không chọn cách được nhà nước công nhận đối mặt với các nguy cơ bị các cơ quan chính quyền ngược đãi nhiều hơn, đặc biệt là bởi các cán bộ tỉnh thành và địa phương, hay những người được thuê đại diện cho chính quyền.”

Những thủ đoạn hèn hạ và sách nhiễu liên tục với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các nhóm thiểu số đấu tranh đòi quyền tôn giáo và các chủ đề mà nhà nước coi là “nhạy cảm” như dân chủ, nhân quyền thường bị tước đoạt các quyền lợi, kể cả hành hung, giam cầm và các hình thức ngược đãi.

Các chuyên viên của USCIRF liệt kê các vi phạm đối với các nhóm Cao Đài, Người Thượng ( Montagnard), Tin Lành, Công Giáo và cả Phật Giáo. Dù bị che đậy, các vụ việc như các tín đồ Hòa Hảo bị bức hại ở miền tây, các mục sư như Nguyễn Hồng Quang, hay ông Lê Công Cầu bị câu lưu và cả lao tù.

Ngoài việc ngược đãi thể lý, nhà cầm quyền Việt Nam còn tiến hành phá bỏ các cơ sở thờ tự, chiếm đoạt tài sản và ngăn cản các hoạt động của các nhóm mà họ cho là chướng tai gai mắt. Tiêu biểu là vụ việc nhà cầm quyền đe dọa Chùa Liên Trì, và đòi hủy hoại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Các vụ thanh trừng và loại bỏ các nhà thờ, giáo xứ không được công nhận tại Tây Nguyên như Kontum. Hay là vụ nhà cầm quyền Nghệ An phá hủy, xua đuổi, không cho học sinh đi học tại giáo xứ Đông Yên, giáo phận Vinh.

Bản phúc trình dành một phần để nói về tình trạng các tù nhân bị ngược đãi vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong năm qua có thêm những tù nhân nổi tiếng được thả gồm có: nhà hoạt động công giáo giáo và luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân; blogger Paulus Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Oai, và các nhà hoạt động Công Giáo Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung. Tuy nhiên, bản báo cáo vẫn lưu ý: “người ta tin là có khoảng từ 100 đến 150 tù nhân lương tâm vẫn còn ở trong tù, trong số này gồm có nhiều người bị giam giữ vì đức tin tôn giáo và/hoặc ủng hộ cho tự do tôn giáo, như Cha Thaddeus Nguyễn Văn Lý. Các phật tử Khmer Krom nổi tiếng vẫn còn ở trong tù, như Thích Thach Thuol, Thích Lieu Ny, và Thach Phum Rich”. Bên cạnh đó, bản phúc trình nhấn mạnh “các tù nhân được thả đặc biệt rất dễ bị ngược đãi”. Điển hình là vụ nhà hoạt động Ki-tô hữu Trần Minh Nhật bị bắt giữ và đánh đập hai lần vào tháng 11, 2015 và việc nhà hoạt động, luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị hành hung vào tháng 3 và giam tù vào tháng 12 năm 2015.

Đề cập về chính sách của Hoa Kỳ, USCIRF đã lược qua những phương thế dùng để tạo áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam để cải thiện nhân quyền, cách riêng quyền về tự do tôn giáo – tín ngưỡng. Như các cuộc thảo luận song phương, hay chuyến thăm của Ngoại Trưởng John Kerry và Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Nhân Quyền, Dân chủ, và Lao động Tom Malinowski vào Tháng Tám. Đồng thời, USCIRF vận động các đại sứ quán, các nhân viên ngoại giao tiếp tục thăm các cá nhân, cựu tù nhân lương tâm để bảo đảm quyền thực hành niềm tin tôn giáo của họ. 
 


Cần nói thêm Ủy Ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một cơ quan riêng và khác với Bộ Ngoại Giao. Được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ, đây là một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ Hoa Kỳ, cơ quan này giám sát tự do tôn giáo trên toàn thể giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng Thống, Ngoại Trưởng, và Quốc hội.

Năm nay USCIRF một lần nữa khuyến cáo đưa Việt Nam vào các quốc gia CPC, như mọi năm kể từ năm 2001. USCIRF tin rằng “đưa Việt Nam vào khuôn khổ cơ cấu, chiến lược của CPC có thể là một phương kết có ích để tăng cường quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và đồng thời bảo vệ được các quyền lợi cho mọi người và mọi cộng đồng tôn giáo.”

Paul Minh Nhật
Việt Nam Có Nguy Cơ Vào "Danh Sách Đen" CPC Vì Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo Reviewed by Phụng Thiên on 5/03/2016 Rating: 5 TNCG: Ngày 02/05/2016 Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Phúc Trình Thường Niên 2016 và khuyến cáo đưa Việt Nam vào...

Không có nhận xét nào: