Luật về đảng chính trị quy định những gì? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 1, 2016

Luật về đảng chính trị quy định những gì?

Hoàng Sơn: Trong hệ thống luật pháp của các nền dân chủ phương Tây, nội dung của luật về đảng chính trị bao gồm 12 lĩnh vực: các nguyên tắc của dân chủ; các quyền và sự tự do; số lượng ghế trong Nghị viện do các đảng nắm giữ; ứng cử và bầu cử liên quan đến các đảng chính trị; các đảng trong nghị viện; các đảng trong chính quyền; các quyết định của đảng; các kế hoạch hành động của đảng; các vấn đề về tài chính của đảng; quản lý truyền thông liên quan đến các đảng; các sai phạm; các vấn đề liên quan đến đảng chính trị và quy trình lập pháp.

Trong đó, các nội dung về nguyên tắc của dân chủ, các quyền và sự tự do bao gồm các quy định về khái niệm đảng chính trị trong mối liên hệ giữa đảng chính trị với các nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ cũng như các quyền và sự tự do đối với mọi đối tượng trong một nền dân chủ. Ví dụ như các quy định về việc cạnh tranh và bình đẳng giữa các thực thể chính trị trong các giá trị dân chủ như sự đa nguyên chính trị, sự tham gia của người dân vào các tổ chức chính trị, ý chí phổ quát của quần chúng cũng như các vấn đề về đại diện cho ý chí của quần chúng…

Mời tham khảo thêm các bài viết thuộc tiểu luận: Tương Lai Nào Cho Luật về Đảng Chính Trị ở Việt Nam? của nhà nghiên cứu Hoàng Sơn, Hà Nội:

Trong Luật về đảng chính trị của Lithuania quy định: “Đảng chính trị phải góp phần tạo lập và thực hiện các lợi ích và ý chí chính trị của các công dân của nước Cộng hòa Lithuiana”.[1] Và các đảng chính trị ở Lithuiana sẽ “được hưởng quyền tự do phổ biến các thông tin thông qua các văn bản, các buổi nói chuyện hoặc bất cứ phương cách nào đối với các hoạt động của họ[2]”.

Sự tổ chức của đảng chính trị được chia thành 4 mảng tương ứng với các lĩnh vực sau: những quy định điều chỉnh đến đảng như một tổ chức đặc biệt trong xã hội; những vấn đề liên quan đến bầu cử và ứng cử của đảng; vai trò của đảng trong nghị viện; vai trò của đảng trong nhà nước.

Những vấn đề liên quan đến kiểm soát nghị viện bao gồm việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và hoạt động trong nội bộ một đảng chính trị nào đó. Những nội dung này sẽ được quy định cụ thể về các bộ phận bầu cử, trách nhiệm giải trình, giải quyết các mâu thuẫn trong đảng, và các quyết định đề cử các ứng viên tham gia tranh cử các vị trí trong chính quyền. Trong Luật đảng chính trị của Đức quy định “các đảng viên và những người đứng đầu trong các cơ quan của đảng phải có quyền bình đẳng trong quá trình ứng cử và bầu cử”.[3] Trong lĩnh vực này, pháp luật về đảng còn quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức cũng như địa vị pháp lý và các yêu cầu bắt buộc trong việc đăng ký hoạt động của một đảng chính trị.

Các nguyên tắc về ứng cử, bầu cử, các chiến dịch tranh cử và các nguyên tắc cho các ứng viên của đảng tham gia tranh cử trong bộ máy nhà nước được quy định trong phần về bầu cử trong đảng. Các quy định trong phần này phản ánh quá trình cạnh tranh trong nội bộ đảng. Trạng thái của đảng trong mối quan hệ với nghị viện, mối quan hệ với các cơ quan lập pháp địa phương, sự tham gia vào các ủy ban của nghị viện, cũng như sự tham gia vào các quá trình tạo lập chính sách là chủ thể được quy định trong phần về đảng trong nghị viện. Còn những quy định về việc điều hành trong đất nước từ trung ương đến địa phương liên quan đến đảng chính trị được quy định trong phần về đảng và nhà nước. Tất cả các quy định trong luật pháp của một quốc gia về đảng chính trị vừa kể trên đều được luật hóa một cách rõ ràng, cụ thể.

Nhận xét về hệ thống luật pháp về đảng chính trị của Hoa kỳ và châu Âu, một số học giả Việt Nam nhận định:

“Ở các nước tư bản, nhất là các nước tư bản phát triển, điều nêu trên lại càng được thực hiện nghiêm ngặt, và được các chính đảng, kể cả chính đảng tư sản cầm quyền chấp hành nghiêm chỉnh. Tổ chức đảng, đảng viên của các chính đảng và của đảng tư sản cầm quyền vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật tư sản hiện hành…Thực tế ở các nước tư bản, Hiến pháp và pháp luật tư sản khá ổn định. Bởi vậy dù đảng tư sản này hay đảng tư sản khác cầm quyền hoặc liên minh này hay liên minh khác cầm quyền thì Hiến pháp và pháp luật hầu như không thay đổi lớn. Tất cả các chính đảng đều phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật tư sản. Đảng cộng sản, theo Hiến pháp và pháp luật tư sản, đang tồn tại và hoạt động trong xã hội tư bản, song hoạt động của đảng không được vượt quá những quy định của Hiến pháp và pháp luật tư sản”.[4]

Tài liệu tham khảo:

[1] Law on Political Parties and Organizations of Republic of Lithuiana, điều 1.

[2] Law on Political Parties and Organizations of Republic of Lithuiana, điều 18.1.

[3] The Law on Political Parties, điều. 10.2

[4] Nguyễn Văn Giang – Đinh Ngọc Giang, Thực hiện nguyên tắc đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam giai đoạn hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 30 – 31.
Luật về đảng chính trị quy định những gì? Reviewed by Phụng Thiên on 1/17/2016 Rating: 5 Hoàng Sơn: Trong hệ thống luật pháp của các nền dân chủ phương Tây, nội dung của luật về đảng chính trị bao gồm 12 lĩnh vực: các nguyên tắ...

Không có nhận xét nào: