Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Có ‘Tiến Bộ’ Hơn So Với Dự Thảo 4? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 9, 2015

Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Có ‘Tiến Bộ’ Hơn So Với Dự Thảo 4?

GNsP (11.09.2015) – Đầu tháng 9.2015, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN ‘tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận’ về dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo lần thứ 5. Dự thảo lần này được Hội nghị xem là có ‘tiến bộ’ hơn so với dự thảo 4 vì người bị giam giữ có quyền đọc sách tôn giáo (điều 4, khoản 3) hay các tôn giáo có quyền tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo (điều 47, 48)…

GNsP sẽ có nhiều bài phân tích những ‘tiến bộ’ của Dự thảo 5 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo so với Dự thảo 4. Và, những thòng lọng nào của Dự thảo 5 khiến nó trở nên ‘tiến bộ’ hơn.

Người bị tạm giữ, Phạm nhân bị tước bỏ quyền Tự do Tôn giáo

Tự do Tôn Giáo là một trong những quyền căn bản của con người. Ðiều 18 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đặt ra “khuôn mẫu chung” cho quyền Tự do Tôn giáo: “Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo”. Chương II Hiến pháp Việt Nam qui định những “quyền cơ bản của công dân”, Điều 24 khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Thế nhưng, Người bị tạm giữ, Phạm nhân trong các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam Việt Nam đều bị tước bỏ quyền “cơ bản của Công dân” là Quyền Tự do Tôn giáo. Mặc dù, theo qui định Điều 31 Hiến pháp, Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Người bị tạm giữ không bị xem là “người có tội” cho đến khi có phán quyết buộc tội- có hiệu lực- của Tòa án có thẩm quyền. Và ngay cả Phạm nhân, cũng chỉ là Người đang thi hành án “chịu sự quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo để họ trở thành người có ích cho xã hội” (khoản 2, 3 Điều 3 Luật Thi hành án Hình sự). Họ không thể bị tước bỏ các “quyền cơ bản của con người”, trong đó có quyền tự do biểu lộ Tôn giáo; Truyền dạy, thực hành, thờ phượng và áp dụng các nghi thức đạo giáo.

Người bị tạm giữ, Phạm nhân có quyền Tự do Tôn giáo theo “nội qui nơi giam, giữ” trong dự thảo 4.

Vào đầu tháng 5.2015, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (lần 4) đã đề cập đến “quyền Tự do Tôn giáo” của Người bị tạm giữ, Phạm nhân tại khoản 3 Điều 4: “Người đang bị giam, giữ được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân theo quy định pháp luật và nội quy nơi giam, giữ”. Nội dung này có thể xem là bước “tiến bộ”, nhưng thực ra đã để “ngỏ” các khả năng biến qui định xem ra “tiến bộ” này sẽ chỉ “nằm trên giấy”. Người đang bị giam, giữ sẽ không có quyền Tự do Tôn giáo, mà chỉ được “đáp ứng nhu cầu Tôn giáo của cá nhân”, và việc “đáp ứng” này không phải “theo qui định pháp luật” mà còn phải theo “nội qui nơi giam, giữ”, nội dung này qui định vậy. Thế nào là “đáp ứng” và “không đáp ứng”? “Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo” là những “nhu cầu” gì? Hơn thế nữa, phải là “nhu cầu của cá nhân”. Và cuối cùng nội qui nơi giam, giữ có quyền “không đáp ứng” dù “pháp luật có qui định”. Một nội dung mơ hồ và tùy tiện.

Chính lẽ vậy, trên thực tế, người ta có thể thấy thông tin: “Những ngày lễ 30/4 và 1/5 năm nay, có một ý nghĩa đặc biệt đối với các phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) thuộc V 26, Tổng cục 8, Bộ Công an. Đó không chỉ là việc công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đợt I năm 2010, mà nơi này còn vinh dự được đón tiếp Đại đức – Tiến sỹ triết học Thích Nhật Từ – Phó Hiệu trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam tại TPHCM và Đại đức Thích Nguyên Thành – Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Thái Nguyên tới đây để giảng về Phật pháp và hướng dẫn phạm nhân tập thiền”.

Những ‘tiến bộ’ của dự thảo 4 ‘nằm trên giấy’

Nhưng cũng lại có những thông tin như: “Những tháng cuối năm 2011, 17 các Thanh Niên Công giáo và Tin Lành (TNCG và TL) thuộc giáo Phận Vinh bị nhà cầm quyền bắt giam trái phép. Sau đó, các anh bị quy kết vào Điều 88 BLHS “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN VN” và Điều 79 BLHS “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Suốt thời gian ở trong các trại giam, các anh không được nhà cầm quyền đáp ứng các quyền tối thiểu và căn bản của một thường phạm, đặc biệt quyền thực hiện tự do tín ngưỡng tôn giáo bị tước bỏ như không cho phép các anh được gặp linh mục để được ban Bí tích, không cho thân nhân gửi Kinh Thánh và các sách tôn giáo”. Và “Cha JB Nguyễn Đình Thục kể lại: “Ở đây, công an tỏ ra rất tử tế và mời cha vào nói chuyện. Họ nói rằng, họ hiểu nhu cầu của các em nhưng mong cha thông cảm, bởi vì họ thuộc cấp dưới không đủ quyền làm việc này. Hy vọng lần sau cha đến và sẽ được gặp các anh em. Cha nói với họ rằng, “luật không cấm linh mục vào thăm các [tù nhân] và mục đích của nhà tù là giúp cho các tù nhân được sống tốt hơn. Cho nên các linh mục có thể đáp ứng cho các em có đời sống tâm linh trở nên tốt hơn, thế thì tại sao các linh mục không được phép. Các [nhà tù ở các] nước phương tây mời các linh mục đến để giúp đỡ họ [cán bộ trại giam] giáo dục các tù nhân, vậy tại sao nước ta lại không được?”. Họ nói với cha rằng, trước đây có một vài linh mục đã đến thăm và họ phải trình bày với công an tỉnh thì mới được gặp, nếu không họ không còn cách nào khác”

Ngay như sách Kinh Thánh, cựu tù nhân lương tâm Luật sư Lê Thị Công Nhân kể: “Vào những giờ nghỉ, họ cho mình xem TV. Họ cũng cho mình đọc sách báo. Cũng nhiều loại sách báo, nhưng trại cấm đọc những sách báo về tôn giáo, đặc biệt là đạo Thiên Chúa. Họ tịch thu hết tất cả kinh thánh. Tôi là tù nhân duy nhất được có quyển kinh thánh để đọc. … Đây là cuốn kinh thánh mà Ủy ban Tôn giáo Hoa Kỳ họ vào gặp tôi khi tôi ở Hoả Lò, được dẫn đầu bởi ông Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công an. Vì ông Hưởng dẫn họ vào nên tôi mới được giữ quyển kinh thánh. Và việc giữ lại quyển kinh thánh đó cũng là một cuộc tranh đấu. Họ cho phép tôi nhận trước mặt những người kia như là một trò hề. Khi tôi đem vào buồng giam thì họ lại không cho. Và đây cũng là một cuộc tranh luận rất căng thẳng. Từ Hoả Lò họ cho phép tôi dùng, nhưng khi tôi chuyển về trại giam ở Thanh Hoá thì họ thu luôn của tôi, dẫn đến việc tôi tiếp tục nhịn ăn vì họ thu kinh thánh của tôi”.

Một Cựu TNLT khác- anh Trần Hữu Đức– cũng rơi vào trường hợp tương tự: “Tình hình của em Đức rất tội. [Mấy lần trước gia đình đi thăm] có gửi Kinh Thánh và sách báo vào cho em, nhưng cán bộ trại giam không cho nhận, nên em Đức đã tuyệt thực trong suốt 18 ngày để phản đối hành động của cán bộ trại giam. Sau 18 ngày tuyệt thực, cán bộ trại giam đã chấp nhận cho em được đọc Kinh Thánh. Em đã ăn lại được 3 ngày nên sức khỏe hơi yếu và phải có người cõng em ra ngoài để thăm gặp gia đình”. Một Luật sư cũng là Cựu TNLT đã kể mình được “đặc ân” có cuốn Kinh Thánh trong nhà tù, nhưng sau đó, bị “tước bỏ” vì không làm theo “ý đồ” của cán bộ. Một Luật sư thuộc Đoàn LS Sài Gòn kể lại, ông đã từng phải “xin” quản giáo- cho một Người mới chỉ bị tạm giam- được nhận cuốn “lịch Công Giáo” do một nhà xuất bản của Hà Nội ấn hành, theo mong muốn của Người bị tạm giam “muốn biết những ngày Lễ trọng để hiệp thông với Giáo Hội”!

Nội dung dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Bộ Nội Vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ đưa ra “góp ý” vào đầu tháng 5.2015, được các Tôn giáo đánh giá rằng dự thảo Luật vi hiến, không hợp pháp, cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do Tôn giáo… Về phía Giáo hội Công giáo, quý Đức Giám mục thuộc nhiều các Giáo phận nhận định dự thảo 4 là một văn bản Luật thụt lùi, hà khắc, phân biệt đối xử đối với các Tổ chức Tôn giáo.

Và, lần này, sau khi “chỉnh sửa”, lần 5 Dự thảo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có “tiến bộ” hơn?

Pv.GNsP

Nguồn: http://www.tinmungchonguoingheo.com/…/du-thao-5-luat-tin-n…/
Dự Thảo 5 Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Có ‘Tiến Bộ’ Hơn So Với Dự Thảo 4? Reviewed by Unknown on 9/11/2015 Rating: 5 GNsP (11.09.2015) – Đầu tháng 9.2015, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN ‘tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chứ...

Không có nhận xét nào: